Top 10 địa điểm du lịch chỉ người bản địa mới biết tại Bắc Mê

Không đặc biệt nổi tiếng với những mỹ từ như ” thiên đường ruộng bậc thang ” Hoàng Su Phì, ” thiên đường xám ” Đồng Văn, hay ” Đà Lạt thu nhỏ” Quản Bạ, Bắc Mê – Hà Giang là điểm đến mới lạ  thu hút bước chân của những sành đi đang tìm kiếm và khám phá, trải nghiệm quên lối về. Top 10 địa điểm du lịch chỉ người bản địa mới biết tại Bắc Mê sẽ là khám phá tiếp theo của TRIPMAP trong hành trình vi vu ở miền hoa đá.

Giới thiệu đôi nét về Bắc Mê – Hà Giang

Bắc Mê được biết đến là một huyện vùng sâu của tỉnh Hà Giang, nằm cách thành phố Hà Giang khoảng 53km về phía Đông. Phía Bắc huyện Bắc Mê giáp Yên Minh (Hà Giang) và Bảo Lâm (Cao Bằng), phía Tây giáp vị Xuyên, phía Nam giáp huyện Na Hang, Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây có đường quốc lộ 34 chạy qua, nối liền trung tâm huyện với thành phố Hà Giang nên có nhiều điều kiện thuận lợi để giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế.

Địa hình Bắc Mê được chia làm 2 tiểu vùng sinh thái, với một bên là núi cao, bên còn lại là vùng núi thấp và cũng là nơi cư trú của 13 dân tộc thiểu số trong đó người Tày, Dao, Mông chiếm phần đông dân số. Vì vậy, nơi này là điểm hẹn văn hóa vùng cao rất đa dạng và độc đáo kết hợp cùng với cảnh quan núi rừng nguyên sơ, kỳ bí, sông hồ hiền hòa, thơ mộng. Đến nay, Bắc Mê đã trở thành điểm du lịch lý tưởng cho những phượt thủ trẻ.

Top 10 địa điểm du lịch chỉ người bản địa mới biết tại Bắc Mê

Với những người theo chủ nghĩa xê dịch thì những điểm đến như Di tích Căng Bắc Mê,  khu du lịch sinh thái Sông Gâm, hang Đán Cúm, hang Khuổi Nấng, hang Nà Chảo và di tích Lò Gạch, và các làng văn hóa du lịch cộng đồng, làng nghề là những điểm dừng chân khá hấp dẫn.

Di tích Căng Bắc Mê – địa chỉ ‘đỏ’ bên dòng sông Gâm

Khung cảnh trầm mặc, cổ kính ở Căng Bắc Mê
Khung cảnh trầm mặc, cổ kính ở Căng Bắc Mê

Tham quan Căng Bắc Mê du khách bâng khuâng trong không gian thiên nhiên cổ kính, thâm trầm đầy rêu phong, hòa mình vào cảnh quan xanh mát của những loài cây tếch, đa, si, sữa,…Xuôi dòng về lịch sử nơi này được thực dân Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ XX ở đỉnh núi Rồng. Mục đích ban đầu nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông nối 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang.

Về sau chúng biến thành nhà tù chính trị giam giữ các chiến sỹ cách mạng ở khắp các tỉnh phía Bắc. Khắp vùng Bắc Mê chúng đặt chế độ cai trị hà khắc, áp bức bóc lột nhân dân. Tuy nhiên, dưới những gông cùm, xiềng xích, những hình thức tra tấn man rợ các chiến sỹ cách mạng và nhân dân vẫn kiên cường, không nhụt ý chí đấu tranh.

Cho đến nay, nơi đây vẫn còn lưu giữ rất nhiều dấu tích và hiện vật, như một chứng tích hùng hồn ghi lại trang sử đầy máu và nước mắt của những người Việt Nam yêu nước, là địa chỉ ” đỏ ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau.

Sông Gâm – cánh cung xanh của núi

Sông Gâm - dải lụa xanh của miền Đông Bắc
Sông Gâm – dải lụa xanh của miền Đông Bắc

Khác với vẻ đẹp hùng vĩ, hiểm trở của dòng sông Nho Quế trên   Sông Gâm như một thảm lụa xanh hiền từ, lặng lẽ nâng niu vẻ đẹp của núi rừng Bắc Mê. Cả dòng sông được bao bọc bởi những dãy núi xanh trùng điệp, uốn lượn hình cánh cung tuyệt đẹp.

Vào khoảng thời gian tháng 9 đến tháng 4, nước ở sông Gâm dâng cao, cả dòng sông này ngập tràn trong nước. Mặt nước sáng bóng như gương. Vào những buổi bình minh hay hoàng hôn mặt trời chiều rọi, cả mặt hồ lóng lánh ánh vàng, khung cảnh đặc biệt nên thơ. Dương thuyền trôi nhẹ trên sông, ngắm cảnh non xanh nước biếc, bạn sẽ khá thích thú với cảnh những đàn hươu ngơ ngác đứng nhìn theo từng đoàn khách du qua lại.

Di tích lịch sử hang Đán Cúm 

Di tích khảo cổ hang Đán Cúm, thôn Tiến Xuân, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê.
Di tích khảo cổ hang Đán Cúm, thôn Tiến Xuân, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê.

Hang cách sông Gâm gần 1 km theo đường chim bay. Địa điểm này được phát hiện năm 1997, đã trải qua 3 lần đào thám sát và khai quật năm 1998,  được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 2001. Hang Đán Cúm là nơi lưu giữ rất nhiều di tích khảo cổ học từ thời tiền sử. Bên trong hang là những thi pháp cổ từ bổ cuội rất giá trị và quý hiểm đươc người tiền sử tạo tác. Hang Đán Cúm có giá trị quan trọng về lịch sử, khoa học và văn hoá, rất nhiều vị khách đã phượt tới đây thăm thú như một hành trình tìm về nguồn cội.

Di tích hang  Nà Chảo

Những di chỉ khảo cổ học được tìm thấy ở hang Nà Chảo
Những di chỉ khảo cổ học được tìm thấy ở hang Nà Chảo

Hang Nà Chảo là một di chỉ khảo cổ có độ tuổi từ 9.000 – 10.000 năm, được công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia. Tại đây, các nhà khảo cổ đã khai quật được nhiều di vật có giá trị, đó là những bếp đun hay những xương răng động vật cùng 2.703 di vật bằng đá. Trong số này có 914 tiêu bản được sưu tập trên bề mặt và 1.789 tiêu bản được phát hiện dưới hố khai quật. Từ đó có thể thấy hang Nà Chảo là tiêu biểu cho giai đoạn chuyển tiếp giữa văn hóa Hòa Bình và văn hóa Đá Mài

Hang Bách Sơn

Hang Bách Sơn - vẻ đẹp bí ẩn giữa đại ngàn rừng xanh
Hang Bách Sơn – vẻ đẹp bí ẩn giữa đại ngàn rừng xanh

Nằm ở độ cao khoảng 200m so với mực nước hồ thủy điện Tuyên Quang, ẩn sâu trong cánh rừng nguyên sinh rậm rạp với hệ thống động thực vật phong phú. Những khu rừng cây đinh, cây nghiến,… các loài động vật quý hiếm như linh dương, linh trưởng, chim chóc..bao bọc, ôm ấp như đội quân bảo vệ và gìn giữ cho vẻ đẹp ngàn năm ở nơi này.

Hang có diện tích khá rộng, có nơi lên đến hàng nghìn mét. Bên trong hang là hệ thống đá thạch nhũ với hình dạng và màu sắc vô cùng bắt mắt, sinh động, du khách có thể mặc sức tưởng tượng ra muôn hình vạn dạng. Đối với những du khách yêu thích nét mộc mạc, hoang sơ, nguyên thủy của thiên nhiên thì đây là một địa điểm cực kỳ nên trải nghiệm.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Bản Lạn

Bản Lạn là một trong 25 làng văn hóa du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang, đang thu hút được nhiều du khách đến tham quan và tìm hiểu. Đến với không gian văn hóa này du khách sẽ được ngắm nghía kiến trúc nhỏ xinh của nhà sàn người Tày nổi bật giữa cánh đồng ruộng xanh tươi, trù phú. Tham gia vào các hoạt động sản xuất như trồng lúa nước, trồng ngô, dệt thổ cẩm, thưởng thức rượu ngô men lá, chè Shan tuyết, cơm nếp, bánh dày..Nếu may mắn đến Bản Lạn vào dịp lễ, hội thì những điệu hát múa truyền thống của người Tày như hát then, hát cọi, hát lượn, múa khăn, múa ô…sẽ khiến bạn mê say quên lối về.

Làng thổ cẩm Yên Cương

Làng thổ cẩm Yên Cương tọa lạc thanh bình giữa lưng chừng núi, bốn bề là cây xanh, núi đồi hùng vĩ, mây trắng, sương mờ chập chùng quanh năm. Đến đây bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những cô gái Tày miệt mài ngồi bên khung cửi, dựa vào đôi bàn tay khéo léo cùng trí óc sáng tạo tuyệt vời dệt nên những trang phục cẩm với màu sắc và hoa văn rất đẹp mắt. Dệt thổ cẩm chính là nghề truyền thống đã được lưu truyền từ rất nhiều thế hệ. Vì vậy, những trang phục họ mặc lên là niềm tự hào, kiêu hãnh của cả một thế hệ.

Di tích lịch sử hang Khuổi Nấng

Công cụ đá tìm thấy ở Khuổi Nấng. (Ảnh: do Viện Khảo cổ học Việt Nam cung cấp).

Thuộc thôn Khuổi Nấng, xã Thượng Tân, huyện Bắc Mê, hang nằm trên độ cao 7m so với mực nước sông Gâm. Hang Khuổi Nấng là một địa điểm cư trú của nhiều thế hệ người tiền sử. Lớp cư trú sớm nhất thuộc hệ thống văn hoá Hoà Bình – Bắc Sơn có niên đại khoảng 6.000 – 7.000 năm cách ngày nay. Lớp cư trú muộn có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm.

Hang Khuổi Nấng địa điểm khảo cổ học quan trọng, góp phần vào việc nghiên cứu thời tiền sử ở Hà Giang và Việt Nam nói chung. Đặc biệt là hang nằm trên tuyến du lịch lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang với những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, hang Khuổi Nấng là địa điểm tiềm ẩn những giá trị kinh tế – văn hoá du lịch cần được bảo vệ. Nhiều du khách đã phượt đến đây để ngắm lại những vết tích còn sót lại như một hành trình tìm về cội nguồn của con người.

Làng nghề mành cọ xã Yên Định

Đây là một làng nghề truyền thống khá đặc biệt của Bắc Mê. Tới đây du khách có thể quan sát được từng quy trình làm ra sản phẩm hoàn toàn thủ công. Dưới bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và nhiệt huyết những sản phẩm mành cọ rất được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay nghề truyền thống này đang dần bị mai một, nhưng người dân nơi đây vẫn kiên trì bảo tồn và lưu giữ như một báu vật giá trị.

Chợ phiên Bắc Mê

Hát đối đáp dao duyên, nét  văn hóa làm say lòng những người đến chợ
Hát đối đáp dao duyên, nét  văn hóa làm say lòng những người đến chợ

Có thể nói chợ phiên ở Bắc Mê là nơi gặp gỡ, giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc và là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa sôi động, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân địa phương. Chợ được họp vào chủ nhật hàng tuần và tan chợ vào chiều tối. Đến đây, bạn sẽ được mở rộng tầm mắt với nhiều gian hàng thủ công độc đáo đậm chất vùng cao. Những hoạt động văn hóa sôi nổi như chọi dê, múa khèn Mông, hát phướn, hát cọi, hát đối đáp dao duyên…càng làm cho không khí chợ thêm phần tấp nập. Bạn có thể thoải mái giao lưu và thưởng thức ẩm thực nóng hổi.

Trên đây là top 10 địa điểm du lịch ở Bắc Mê mà rất ít du khách đã có cơ hội được khám phá. Với cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, mộc mạc cùng những di tích lịch sử, văn hóa giá trị cùng nhiều nét văn hóa vùng cao sinh động hy vọng sẽ mang đến cho những vị khách đam mê chinh phục những điểm dừng chân lý tưởng mới.

Bài liên quan

“TRIPMAP là trang thông tin tổng hợp, công cụ hỗ trợ, chỉ dẫn du lịch Việt Nam. Thông tin được cập nhật thường xuyên bởi người bản địa của mỗi khu vực. Người thổ địa trả lời, chỉ dẫn người du lịch thông qua hệ thống tin nhắn và điện thoại.”