Những câu chuyện dân gian thú vị từ trái tim Hà Giang

Mảnh đất Hà Giang nơi biên viễn xa xôi sở hữu những vẻ đẹp bất tử của những cánh đồng hoa tam giác mạch tinh khôi, những thửa ruộng bậc thang tựa như những nấc vàng trên thiên đường, những núi non, sông hồ hùng vĩ, nên thơ…Đằng sau những vẻ đẹp lung linh, đầy huyền thoại ấy chính là những câu chuyện dân gian đầy thú vị như một sự tích ly kỳ được đồng bào nơi đây lưu truyền và kể lại cho nhau nghe. Cùng TRIPMAP tìm hiểu những câu chuyện dân gian thú vị từ trái tim Hà Giang ngay dưới đây.

Câu chuyện về nàng tiên Hoa Đào trên núi đôi Quản Bạ

Những câu chuyện dân gian thú vị từ trái tim Hà Giang
Núi đôi Quản Bạ và truyền thuyết về nàng tiên Hoa Đào

Vẻ đẹp của núi đôi Quản Bạ

Du khách ai đã từng đặt chân đến Quản Bạ ghé thăm ngọn núi đôi ( núi đôi cô Tiên ) chắc chắn sẽ không quên được vẻ đẹp mộng mơ của thiên nhiên trữ tình này. Đúng từ xa bạn sẽ thấy hai ngọn núi đôi có kích thước tương tự, đứng liền kề nhau, được bao phủ bởi một thảm rừng xanh mướt. Xung quanh là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng cổ kính nằm lặng lẽ nép bên sườn đồi, những nương ngô, nương khoai, đồi chè xanh tốt, những hồ nước mát trong veo, những đồi hoa tam giác mạch, hoa cải vàng, cải trắng, hoa mận, hoa mơ, hoa lê… khi vào mùa đua nhau khoe sắc. Khung cảnh trù phú, tốt tươi, tràn trề nhựa sống.

Câu chuyện về nàng tiên Hoa Đào

Và đằng sau bức họa thiên nhiên xinh đẹp này là một câu chuyện tình  hấp dẫn của đôi trai gái người Mông. Tương truyền xưa trong bản làng người Mông có một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, có tài thổi đàn môi nổi tiếng khắp vùng. Tiếng đàn môi của chàng réo rắt như tiếng suối, ríu rít lảnh lót như tiếng chim rừng, lúc lại sâu lắng, trầm bổng, da diết như tiếng gió giữa đêm khuya cứ bay xa, bay xa mãi. Và có một nàng tiên Hoa Đào một ngày dạo chơi chốn nhân gian đã say đắm trước tiếng đàn và đem lòng yêu chàng trai nên đã ở lại cùng chàng trai nên duyên vợ chồng và sinh được một bé trai vô cùng xinh xắn.

Nhưng khi Ngọc Hoàng đã phát hiện ra chuyện nàng bỏ trốn xuống trần gian lấy người phàm trần đã vô cùng giận dữ sai người đi bắt nàng về. Thương chồng một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ, nàng đã hóa phép để lại bầu ngực của mình dưới hạ giới để nuôi con.. Đôi nhũ cứ căng tròn nuôi con ngày càng khôn lớn. Khi bé trai đã lớn không cần đến dòng sữa mẹ, đôi nhũ của nàng Hoa Đào cũng biến thành hai quả núi duyên dáng chó đến ngày nay. Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này vô cùng trù phú, xanh

tốt, khí hậu mát mẻ, người dân làm ăn thuận tiện, cuộc sống dẫn khá hơn. Vì vậy, câu chuyện này đến nay vẫn được người dân thường hay kể cho nhau và du khách nghe như một lời cảm ơn tới nàng tiên Hoa Đào.

Hoa tam giác mạch và câu chuyện nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô

Đến Hà Giang check in trên những đồi hoa tam giác mạch nghe truyền thuyết về nàng tiên Gạo và tiên Ngô.
Đến Hà Giang check in trên những đồi hoa tam giác mạch nghe truyền thuyết về nàng tiên Gạo và tiên Ngô.

Hoa tam giác mạch – kiều hoa trên cao nguyên đá

Có lẽ những ai đến với cao nguyên Hà Giang chắc chắn sẽ không quên ghé thăm những cánh đồng hoa tam giác mạch xinh tươi. Cây tam giác mạch có hình dáng mảnh, nhỏ nhắn, hoa giống như hình tam giác, nhỏ li ti, mới nở sẽ có màu trắng, dần chuyển sang màu hồng phần. Cành và lá có thể ăn được, người dân cũng thường hái về để luộc, xào ăn và còn chế biến thành loại rượu tam giác mạch làm ngất ngây lòng người. Loài hoa này có sức sống mãnh liệt, mọc bất chấp trên các sườn đồi, sườn đá. Vào tháng 11, 12 là thời điểm hoa nở, phủ trắng hồng lên những sườn đá tai mèo khô cằn. Du khách và người dân tới đây để ngắm hoa, check in, thả hồn du dương trên đồi hoa bạt ngàn hương sắc.

Nhưng ít ai biết được loài kiều hoa này lại có một sự tích rất hấp dẫn.

Truyền thuyết nàng Tiên Gạo và Tiên Ngô.

Tương truyền thời xưa có hai nàng tiên Tiên Gạo và Tiên Ngô vẫn chăm chỉ ngày ngày đi gieo mầm ngô, mầm gạo xuống các khe núi hoang vắng. Những cây ngô, cây lúa đó lớn dần, đơm bông và trở thành nguồn lương thực cho người dân nơi ấy. Nhưng thời gian dẫn trôi khi ngô lúa của mọi nhà đều cạn kiệt mà mùa vụ chưa tới, cơn đói hoành hành ám ảnh cả bản. Con người buộc phải đi lục từng hang, ngách núi để tìm lương thực.

Và rồi họ tìm thấy trên sườn đồi những rừng hoa nở  li ti có hình tam giác trải dài từ núi này sang núi khác. Hương hoa, hương lá có vị thơm của lúa, ngô nên người dân đã thu hoạch về làm lương thực ăn qua ngày và đặt tên là hoa tam giác mạch. Người dân tin rằng, loài hoa này là do hai nàng tiên Gạo và tiên Ngô đã gieo xuống hạ giới để cứu đói cho dân làng khi mùa vụ chưa tới. Vì vậy, người dân đã giữ hạt để gieo trồng, chăm bón trên những sườn đồi sau những vụ lúa, vụ ngô như một nguồn lương thực dự trữ.

Động Lùng Khúy và truyền thuyết thần Rồng

Đến động Lùng Khúy ngắm tuyệt tác đá và nghe truyền thuyết về thần Rồng
Đến động Lùng Khúy ngắm tuyệt tác đá và nghe truyền thuyết về thần Rồng

Động Lùng Khúy – tuyệt tác đá đến từ thiên nhiên

Động Lùng Khúy được mệnh danh là đệ nhất động ở Đông Bắc. Vẻ đẹp của động đến từ kết cấu của những khối đá thạch nhũ có niên đại từ hàng nghìn năm trước. Màu sắc lung linh màu, hình thù muôn hình vạn trạng thách thức trí tưởng tưởng của con người. Trong hang có một hồ nước lớn được người dân gọi là giếng trời, nguồn nước trong xanh với nhiều mạch nước ngầm. Đây cũng chính là nguồn nước để sinh hoạt, tưới tiêu chính cho thôn làng. Tên động trùng với tên ngôi làng mang tên Lùng Khúy của người Mông nằm cách động không xa. Người dân ở đây rất có ý thức bảo vệ và giữ gìn cảnh quan xung quanh và trong hang, xem đông là điểm thiêng của bản.

Truyền thuyết về thần Rồng

Vượt qua cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tuyệt tác đá trên cao nguyên và được nghe truyền thuyết ly kỳ về hang động này. Tương truyền xưa, cả vùng này bị hạn hán, cây cối chết khô, đất đai cằn cỗi, người dân đói kém đành lập đàn cầu trời ban mưa.

Thương nhân dân Ngọc  Hoàng ban cho bản những mạch nước ngầm và giếng thần ẩn trong hang Lùng Khúy và cho thần Rồng xuống trần gian để cai trị. Mạch nước ngầm không bao giờ cạn nước, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho thôn bản. Vì vậy, cây cối luôn xanh tốt, bản làng trở nên trù phú, yên ấm, trong thôn làng ngập tràn tiếng cười nói, vui vẻ. Chàng trai được thần Rồng hóa thân cũng ở lại hạ giới và kết hôn với cô gái người Mông xinh đẹp và sống cùng nàng. Năm nào chàng trai cũng cầu trời ban mưa cho thôn bản. Vì vậy, hang Lùng Khúy và bản Lùng Khúy có nghĩa là “ Rồng trong khe đá” là như vậy.

Có thể nói những câu chuyện dân gian được kể lại từ trái tim con người Hà Giang đều là những truyền thuyết đượm màu ly kỳ và hấp dẫn. Đó chính là những tín ngưỡng tâm linh, những niềm tin vào thế giới quan của các tộc người bản địa. Nhưng dù thế nào đó vẫn là những câu chuyện đẹp, có sức hút lớn với du khách, gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên và bản chất đôn hậu, thật thà, chất phát của người dân nơi đây. Ghé thăm những bản làng mộc mạc giữa núi đồi, ngồi bên bếp lửa chập chùng, nhâm nhi tách trà, ly rượu lắng nghe những câu chuyện xưa chính là những trải nghiệm thú vị của rất nhiều viễn khách.

 

 

Bài liên quan

Về TRIPMAP

TRIPMAP là bản đồ chỉ dẫn du lịch Việt Nam. Hỗ trợ, tư vấn và tìm kiếm nhà hàng, khách sạn, điểm lưu trú, các điểm thu hút du lịch từ thổ địa mỗi vùng miền. Xây dựng hiệp hội bảo vệ quyền lợi người du lịch Việt Nam, là kim chỉ nam cho người du lịch Việt.”

Bài mới đăng

Chuyên mục

“TRIPMAP là trang thông tin tổng hợp, công cụ hỗ trợ, chỉ dẫn du lịch Việt Nam. Thông tin được cập nhật thường xuyên bởi người bản địa của mỗi khu vực. Người thổ địa trả lời, chỉ dẫn người du lịch thông qua hệ thống tin nhắn và điện thoại.”