Khởi sắc mới, điểm nhấn mới
Nằm bên bờ biển phía Bắc của Việt Nam, Quảng Ninh nổi danh với vẻ đẹp tuyệt vời của Vịnh Hạ Long và các điểm tham quan lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, để đối mặt với những thách thức từ đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã tìm ra một cách để phát triển du lịch địa phương thông qua việc tạo ra 38 sản phẩm du lịch mới đầy hứa hẹn. Những sản phẩm này không chỉ mang lại những trải nghiệm mới lạ cho du khách mà còn thúc đẩy ngành du lịch địa phương hồi phục và phát triển mạnh mẽ hơn. Danh sách 38 sản phẩm du lịch mới của Quảng Ninh đã gắn liền với những địa danh nổi tiếng như Móng Cái, Cô Tô, Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên và Đầm Hà. Việc triển khai những sản phẩm từ những điểm du lịch đã có sẵn hoặc tối ưu hóa cơ sở hạ tầng đã mang lại thành công đáng kể. Chẳng hạn, sản phẩm nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long tạo nên không gian âm nhạc độc đáo trên tàu du thuyền, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách yêu nhạc. Sản phẩm lặn biển ngắm san hô tại Cô Tô đã làm cho đảo ngọc này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, với dịch vụ chuyên nghiệp và trải nghiệm đáng nhớ.
Tuy nhiên, cùng với những thành công đáng kể, cũng có những thách thức và khó khăn mà Quảng Ninh cần phải đối mặt. Một số sản phẩm du lịch mới vẫn đang phải đối mặt với vấn đề về chất lượng và hiệu quả. Ví dụ, sản phẩm “Phố đêm du thuyền” tại TP Hạ Long không đạt được sự hấp dẫn như kỳ vọng do việc thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố giải trí và dịch vụ. Sản phẩm “Phố đi bộ Bài Thơ” cũng gặp khó khăn trong việc tạo nét độc đáo và hấp dẫn riêng.
Bên cạnh đó thì nhiều sản phẩm rơi vào nguy cơ khó, không thể thực hiện theo tiến độ, vì vướng các cơ chế, chính sách hiện hành, có địa phương đã đề xuất đưa ra khỏi danh sách các sản phẩm dự kiến đưa vào hoạt động trong năm nay. Cụ thể, ở Hạ Long là sản phẩm trải nghiệm leo núi Bài Thơ và Phố đêm du thuyền; ở Vân Đồn là 3 sản phẩm trải nghiệm trong phạm vi Vườn quốc gia Bái Tử Long; ở Uông Bí là sản phẩm trải nghiệm đồi Phượng Hoàng. Trong số này, ngoài sản phẩm Phố đêm du thuyền “chết yểu” như đã phân tích ở trên thì những sản phẩm còn lại đều hứa hẹn sức hút đáng kể với du khách.
Sản phẩm trải nghiệm leo núi Bài Thơ gắn với các giá trị lịch sử, văn hoá của quần thể di tích – danh thắng núi Bài Thơ. Từ đỉnh núi Bài Thơ cũng là không gian tuyệt vời để chiêm ngưỡng Vịnh Hạ Long và TP Hạ Long từ trên cao. Việc leo núi khám phá các giá trị danh thắng núi Bài Thơ được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích, vậy nên vô cùng tiếc nuối khi nơi này bị đóng cửa 6 năm nay. Khi sản phẩm này dự kiến được đầu tư khai thác trở lại, nhiều du khách, các doanh nghiệp lữ hành đều phấn khởi, mong chờ. Chính vì vậy, việc tìm hướng tháo gỡ vướng mắc liên quan tới sự phân cấp đầu tư và những vấn đề khác tại di tích này thiết nghĩ là rất cần thiết.
Ở Uông Bí có 2 sản phẩm trải nghiệm mới tại đỉnh Bình Hương và đồi Phượng Hoàng dự kiến đưa vào khai thác cuối năm nay, cũng là thời điểm “mùa cỏ cháy” đẹp hoang sơ, mê hoặc nhất của những ngọn núi này. Tuy nhiên, khu vực đồi Phượng Hoàng lại nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ, vì vậy để có thể công nhận là điểm du lịch, từ đó có cơ sở kêu gọi thu hút đầu tư, hiện địa phương đang làm hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch khu vực đất rừng tại đây. Do vướng mắc này, tiến độ của sản phẩm trải nghiệm hiện chưa thể xác định.
Đối với 3 sản phẩm trải nghiệm tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, nơi chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao tạo nên những cảnh quan đẹp và hoang sơ, giàu tiềm năng cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái theo hướng trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, việc xúc tiến xây dựng 3 sản phẩm du lịch trải nghiệm tại đây cho đến nay đang phải tạm dừng, chưa đủ cơ sở để triển khai thực hiện liên quan tới việc giao đất, giao rừng và vướng các quy định của Luật Lâm nghiệp.
Hiện nay, xu hướng phát triển du lịch thế giới gắn với sự thay đổi về nhu cầu của du khách ngày càng đề cao các loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm, vừa góp phần nâng cao sinh kế cộng đồng, vừa gia tăng ý thức trong bảo vệ môi trường thiên nhiên. Việc phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm tại khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long còn góp phần giảm áp lực lên di sản Vịnh Hạ Long kề cận. Chính vì thế, việc tìm cách tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách để mở đường cho du lịch phát triển ở Vườn quốc gia Bái Tử Long thiết nghĩ rất cần được quan tâm xem xét một cách thấu đáo.