Bánh Chưng Gù Hà Giang hương vị đặc sản từ vùng cao nguyên đá

Bánh chưng, một món ăn truyền thống không thể thiếu trong nền văn hóa ẩm thực của người Việt, xuất hiện đặc biệt nhiều vào mỗi kỳ tết đến xuân về. Không chỉ có sự phổ biến của nó, mà còn có nhiều biến thể thú vị, mỗi loại bánh đại diện cho một khía cạnh văn hóa đặc trưng của các khu vực khác nhau. Có bánh chưng vuông, bánh tét, bánh chưng ống, bánh chưng đen và nhiều loại khác. Trong số các biến thể này, bánh chưng gù đúng là một biểu tượng đặc biệt của nền ẩm thực của người Dao Đỏ tại vùng Hà Giang.

Đặc trưng của bánh chưng gù Hà Giang

Bánh Chưng Gù Hà Giang hương vị đặc sản từ vùng cao nguyên đá
Bánh chưng gù có hình dáng nhỏ xinh, vừa đủ cầm tay, phù hợp để người dân mang đi ăn trên đường đi làm nương rẫy

Bánh chưng gù, bên cạnh việc khác biệt về hình dáng, cũng có sự tương đồng trong nguyên liệu và quy trình chế biến so với bánh chưng vuông của người Kinh. Loại bánh này được thiết kế nhỏ gọn, vừa vặn trong lòng bàn tay, có hình dáng lượn sóng giống chiếc lá của người dân miền Nam. Đặc trưng đặc biệt của bánh này là sự mềm mại và đàn hồi, với màu xanh lá nổi bật và nhân chứa thịt lợn, đậu xanh và tiêu. Khi thưởng thức, bánh chưng gù làm người ta phát hiện hương vị đậm đà, có chút cay cay nhẹ, một chiếc bánh vừa đủ cho một người. Để thưởng thức, bánh chưng gù thường được bọc trong lá dong xanh và buộc kín bằng lạt, sau đó nấu chín để tạo nên một bữa tiệc ẩm thực độc đáo.

Nguyên liệu của bánh chưng gù

Bánh Chưng Gù Hà Giang hương vị đặc sản từ vùng cao nguyên đá
Bánh chưng gù được gói bằng gạo nếp nương, thịt lợn đen và đậu xanh cùng các gia vị

Để làm được một chiếc bánh chưng gù đúng chuẩn người Dao Đỏ cần các nguyên liệu như sau:

  • Gạo nếp nương phải được chọn lọc thật kỹ, chọn những hạt tròn mẩy và đều nhau.
  • Đậu xanh sạch vỏ, luộc sơ qua nước sôi.
  • Thịt lợn đen đặc sản của vùng Đông Bắc thái miếng vừa đủ.
  • Lá dong riềng được trồng trên núi, rửa sạch và để ráo nước và phơi cho héo.
  • Dây lạt mỏng dùng để buộc cố định bánh cùng các loại gia vị như tiêu, muối…

Cách làm bánh chưng gù

Bánh Chưng Gù Hà Giang hương vị đặc sản từ vùng cao nguyên đá
Một công đoạn gói bánh chung gù

Làm bánh chưng gù không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo và phải qua rất nhiều công đoạn.

Bước 1: Ngâm gạo nếp nương

  • Gạo nếp nương sau khi làm sạch thì người Dao Đỏ sẽ đem ngâm trong nước lá dong riềng đã được xay và lọc sạch cùng với một chút muối trắng trong nhiều giờ đồng hồ để gạo nở ra và có màu xanh đẹp mắt, khi nấu sẽ nhanh mềm hơn và có vị đậm đà hơn. Điều này cũng tạo cho bánh có mùi thơm đặc trưng.
  • Sau khi ngâm thì gạo sẽ được vớt ra, để ráo nước để chuẩn bị gói bánh.

Bước 2: Gói bánh

  • Để gói bánh đầu tiên người ta sẽ trải một lớp lá dong riềng, sau đó rải một lớp vừa đủ gạo nếp nương lên bề mặt lá.
  • Tiếp đến là nhân đậu xanh và thịt lợn đen đã ướp sẵn gia vị.
  • Sau đó, sẽ thêm một lớp gạo nếp lên trên để giữ cho phần nhân ở giữa được chặt.
  • Cuối cùng là gấp các mép lá lại và tạo hình sao cho đẹp mắt và dùng dây lạt buộc cố định bánh.

Bước 3: Nấu bánh

  • Bánh sau khi gói sẽ được xếp lần lượt vào nồi lớn, thêm nước và nấu trên bếp củi khoảng 8 đến 10 tiếng đồng hồ rồi vớt ra để nguội  là xong mẻ bánh.
  • Bánh sau khi chín có mùi thơm của gạo nếp, lá dong riềng, gạo và thịt, đậu xanh đều chín mềm tan, béo ngậy, rất thơm ngon. Bánh chưng gù người Dao sẽ không dùng phương pháp ép banh mà để tự nhiên để giữ hình dáng và vị dẻo ngon ban đầu và được người dân bán và sử dụng trong ngày.

Bánh chưng gù đặc trưng văn hóa của cư dân vùng Đông Bắc

Bánh Chưng Gù Hà Giang hương vị đặc sản từ vùng cao nguyên đá
Bánh chưng gù – đặc sản trứ danh của vùng cao nguyên đá

Bánh chưng gù không đơn thuần chỉ là một món ăn, một đặc sản trứ danh của vùng đất Hà Giang mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa đặc trưng của cư dân vùng cao.

Hình dáng chiếc bánh chưng gù được mô phỏng hình người phụ nữ Dao Đỏ đeo gùi lên rẫy làm việc, trèo đèo, lội suối. Khi còng lưng xuống địu đồ sẽ có hình dáng giống như hình dáng chiếc bánh vậy. Điều này có ý nghĩa rất cao cả nhằm ca ngợi và biết ơn sự vất vả trong lao động của người phụ nữ.  Bánh chưng gù được chế biến trong các dịp lễ tết quan trọng, đặc biệt là tết cổ truyền.

Người Dao sẽ chọn những chiếc bánh đẹp nhất, ngon nhất để bày lên bàn thờ cúng tổ tiên như một lễ vật  mừng năm mới đến, cầu năm mới bình an, cầu may mắn, cầu cho mùa vụ năm sau thêm phần bội thu.

Việc gói bánh cũng thể hiện tính gắn kết cộng đồng rất cao. Khi gói bánh người dân sẽ tập trung quây quần bên bếp lửa và gói chung chung cùng nhau, nhà nọ giúp nhà kia.

Bởi vậy, bánh chưng gù thể hiện tính đoàn kết thôn làng,  lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên, và niềm hi vọng mới về cuộc sống no đủ trong năm sau.

Những địa chỉ mua bánh chưng gù chất lượng nhất ở Hà Giang

1. Hà Giang Foods

Địa chỉ: 443 đường Lý Thường Kiệt, Ngọc Hà, tp. Hà Giang.

Hà Giang Foods là một trong những địa chỉ sản xuất bánh chưng gù uy tín và nổi tiếng nhất ở thành phố Hà Giang do chính người dân bản địa làm. Tới đây, bạn có thể mua số lượng lớn hay mua lẻ đều được. Hương vị bánh rất ngon, ăn không bị ngán và nhão.

2. Bánh chưng gù Nguyễn Thị Dung

Địa chỉ: thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường, TP Hà Giang

Đây là một địa chỉ cung cấp bánh rất lâu đời và có tiếng ở thành phố Hà Giang. Bánh do chính tay chị chủ Nguyễn Thị Dung làm nên mọi công đoạn từ chọn nguyên liệu đến nấu bánh đều được chọn lọc rất kỹ lưỡng đảm bảo mang đến cho thực khách những loại bánh chất lượng nhất. Tuy nhiên, hương vị  bánh có phần giống với bánh chưng đen của người Tày nhưng hình dáng và màu sắc vẫn là bánh chưng gù của người Dao Đỏ.

Ngoài hai địa chỉ trên thì bạn có thể tìm mua bánh ở các khu chợ phiên nổi tiếng như chợ phiên Hoàng Su Phì, chợ phiên Đồng Văn, chợ phiên Mèo Vạc. Hương vị bánh đều rất ngon, ngoài mua bạn có thể thưởng thức ngay tại chỗ mà giá cả lại rất phải chăng.

Bánh chưng gù của người Dao Đỏ là một trong những đặc sản nức tiếng vùng Đông Bắc mà du khách khi đến với cao nguyên đá xám nhất định phải nếm thử một lần. Hương vị thơm ngon, béo ngậy, bùi bùi, the the hòa quyện trong một hình hài bé nhỏ làm cho những thực khách ăn một lại muốn ăn hai. Nếu có cơ hội ghé thăm cao nguyên xinh đẹp này bạn hãy nhớ một lần trải nghiệm qua món bánh độc đáo này nhé.

Bài liên quan

Về TRIPMAP

TRIPMAP là bản đồ chỉ dẫn du lịch Việt Nam. Hỗ trợ, tư vấn và tìm kiếm nhà hàng, khách sạn, điểm lưu trú, các điểm thu hút du lịch từ thổ địa mỗi vùng miền. Xây dựng hiệp hội bảo vệ quyền lợi người du lịch Việt Nam, là kim chỉ nam cho người du lịch Việt.”

Bài mới đăng

Chuyên mục

“TRIPMAP là trang thông tin tổng hợp, công cụ hỗ trợ, chỉ dẫn du lịch Việt Nam. Thông tin được cập nhật thường xuyên bởi người bản địa của mỗi khu vực. Người thổ địa trả lời, chỉ dẫn người du lịch thông qua hệ thống tin nhắn và điện thoại.”