Vùng đất biên cương Hà Giang được xem là một trong những điểm đến thú vị nhất hiện nay. Nơi đây không chỉ được bàn tay thiên nhiên nhào nặn và ban tặng cho nhiều cảnh đẹp nức lòng mà con người nơi biên ải trong quá trình miệt mài lao động cũng đã sản sinh ra nhiều giá trị văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc của một vùng núi cao nơi biên viễn. Cùng khám phá những phong tục, văn hóa đặc sắc ở vùng đất này ngay trong bài viết dưới đây.
Văn hóa bản sắc, phong tục độc đáo vùng cao Đông Bắc
Theo báo điện tử Hà Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 22 dân tộc thiểu số sinh sống rải rác trên khắp các thung lũng và các triền núi cao. Chính điều ấy cũng tạo ra một nền văn hóa truyền thống vùng cao đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, tộc người chiếm tỷ lệ đông nhất là người Mông, Tày, Dao, Pà Thẻn…Và mỗi dân tộc đều có những nét phong tục, tín ngưỡng và tập quán khác nhau nhưng vẫn luôn có sự giao thoa, hòa quyện và phát triển. Các đặc trưng của các tộc người này luôn được lan tỏa ra cộng đồng và gần như trở thành nét văn hóa chung cho vùng núi cao nơi biên viễn.
Tuy hiện nay, rất nhiều nét văn hóa ở đây đã dần bị mai một và lãng quên, chỉ còn lại những nét đặc trưng của bốn tộc người trên là còn được lưu giữ và thể hiện đậm nét tín ngưỡng cổ xưa.
Du lịch Hà Giang khám phá nét đẹp văn hóa độc đáo
Khám phá nét văn hóa độc đáo của người Mông
Dân tộc Mông, chiếm đa số trong cộng đồng dân tộc ở Hà Giang, được chia thành hai nhóm chính là Mông Hoa và Mông Trắng. Dân tộc này duy trì nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý báu từ thời xa xưa.
Người Mông Hà Giang thường cư trú ở dãy núi cao từ 800m đến 1.700m so với mặt nước biển, sinh sống bằng nghề trồng lúa nương, trồng khoai, ngô. Ngoài ra, những kỹ thuật làm gỗ, đan lát, đặc biệt là dệt vải khá phát triển và được đánh giá rất cao.
Kỹ thuật dệt thổ cẩm của tộc người này khó có dân tộc nào sánh bằng. Những sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh được thêu dệt hoàn toàn thủ công, sản phẩm đa dạng, màu sắc và hoa văn tinh tế, chất lượng tốt mà giá cả lại rất hợp lý nên rất được khách du lịch ưa chuộng nhất là khách nước ngoài.
Nghề dệt thổ cẩm đã giúp người Mông tạo ra những bộ trang phục truyền thống tinh tế. Trang phục thổ cẩm là trang phục hàng ngày cho cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, trong khi những bộ trang phục đẹp nhất được dự trữ cho các dịp lễ tết quan trọng. Ngoài ra, người Mông còn kết hợp các nghi thức tôn vinh và cúng bái trong cuộc sống tâm linh, thể hiện qua các lễ hội như lễ Gầu Tào, lễ Tầu sừ, lễ Nào xông, lễ Tết rừng… Tất cả những điều này tạo nên một không gian huyền bí và thiêng liêng đặc trưng của họ.
Văn hóa của người Mông đa dạng với nghệ thuật múa khèn, biểu diễn “Thản chù,” “Gầu phềnh,” và kỹ thuật tài tình trong việc sử dụng đàn môi, khèn lá, kéo nhị, sáo, và khi nhảy “Tha kệnh.” Âm thanh đặc trưng của khèn kết hợp cùng vũ điệu “Tha kệnh” tạo nên những màn biểu diễn đầy ấn tượng.
Khi đến với bản làng Mông bạn có thể thưởng thức những đặc sản như mèn mén, rượu ngô, bánh ngô. thắng cố…
Khám phá nét văn hóa, phong tục người Dao
Người Dao cũng là tộc người chiếm đa số và cư trú lâu đời tại Hà Giang. So với người Mông, người Dao có rất nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng biệt. Họ sinh sống bằng nghề trồng lúa nước , lúa nương và một số loại hoa màu. Ngoài ra còn dệt vải, rèn, mộc, làm giấy, ép dầu và ở trong các loại nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất, nhà đất (nhà trệt). Y phục của nam nhân người Dao gồm quần và áo ngắn, áo dài. Trang phục của phụ nữ khá phong phú, có nhiều màu sắc và được thêu nhiều hoa văn tinh tế. ho thường mặc áo, yếm, xà cạp, cùng đồ trang sức vàng bạc, khăn vấn đầu…
Họ quan niệm trong thế giới tồn tại 3 tầng nhân sinh giữa thần, ma- người, vạn vật và thần linh. Người Dao tin rằng vạn vật đều hữu linh nên có nhiều tín ngưỡng về ma quỷ, thần linh và tục lệ thờ cúng, tang ma, cưới hỏi vô cùng phức tạp. Đặc biệt là tục lệ cưới hỏi có rất nhiều kiêng kị và được xem là một trong những sinh hoạt văn hoá truyền thống của người Dao trong đó chứa đựng những giá trị về văn hoá, lịch sử, giá trị về giáo dục…rất cao.
Người Dao thờ cả tổ tiên đến 9 đời và thờ Bàn vương – ông tổ của người Dao. Về mặt đời sống tinh thần tộc người này có một kho tàng văn hóa đặc biệt phong phú, nhiều câu chuyện, thơ, văn, tục ngữ, ca dao, nhiều bài hát…nhưng chỉ được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng. Trong đó có nghệ thuật hát Páo dung là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được công nhận và được lưu truyền rất lâu đời.
Về mặt lễ hội phải kể đến lễ cấp sắc, lễ Tết Nhảy, lễ cúng Bàn vương… với nhiều nghi lễ truyền thống rất cổ và thần bí thể hiện vai trò, trách nhiệm của con người đối với tổ tiên của họ. Ngoài ra, y học cổ truyền của người Dao vô cùng phát triển tiêu biểu là lá thuốc của người Dao Đỏ có tác dụng chữa bệnh thần kỳ.
Khám phá văn hóa phong tục người Tày
Dân tộc Tày thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái là dân tộc có dân số đông nhất trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và tập trung sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Hà Giang. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng đồng bào Tày vẫn lưu giữ được nhiều nét đẹp trong văn hóa, phong tục truyền thống.
Kiến trúc nhà sàn của người Tày được xây dựng vô cùng kiến cố và chắc chắn bằng các loại gỗ quý, mái tranh, mái cọ rất mộc mạc nhưng ấm cúng vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, nghề gốm, làm mộc, dệt vải… Trang phục của tộc người này có phần đơn giản, không quá cầu kỳ nhưng vẫn rất đẹp nhất là trang phục của phụ nữ không có quá nhiều hoa văn và đường nét thêu thùa. Họ thường mặc váy dài và áo cánh ngắn bên trong và áo dài bên ngoài ôm sát người và màu đặc trưng là màu tràm. Đời sống văn hóa của người dân tộc Tày khá phong phú thể hiện qua các lễ hội và kho tàng văn học về truyện thần thoại, truyện cổ, truyện thơ, dân ca… đặc biệt là nghệ thuật hát then, đàn tính.
Các lễ hội như lễ hội Lồng Tồng, lễ Cầu Trăng…được tổ chức rất rộng rãi trong đó có lễ cầu Trăng gần giống với tết Trung Thu của người Việt. Ở Hà Giang tại bản Tha và Hạ Thành những nét văn hóa và phong tục tập quán cổ xưa của người Tày vẫn còn được lưu giữ rất đậm nét.
Khám phá văn hóa phong tục người Pà Thẻn
Người Pà Thẻn tập trung đông nhất ở Hoàng Su Phì, Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần trong đó nhiều nhất ở Quang Bình. Để có thể tìm hiểu cụ thể về văn hóa truyền thống của tộc người này bạn có thể viếng thăm làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn My Bắc, huyện Quang Bình. Trước đây người Pà Thẻn sinh sống theo hình thức du canh du cư, nên đời sống rất thấp chỉ sau khi chuyển sang định canh định cư thì những kỹ thuật canh tác mới tiến bộ và đời sống mới ổn định. Họ rất coi trọng thần lửa nên họ chọn sắc đỏ làm màu đặc trưng trên trang phục. Cũng gần giống như người Mông, trang phục phụ nữ của người Pà Thẻn được dệt bằng thổ cẩm, có thêu hoa văn hình khối và các họa tiết rất khỏe khoắn và sắc nét. Cổ mang vòng bạc, khăn quấn hoặc đội đầu đều màu đỏ xen kẽ với màu vàng, trắng, đen tạo nên nét hấp dẫn riêng biệt.
Với tín ngưỡng thờ thần lửa người Pà Thẻn có lễ hội Nhảy Lửa với những điệu nhảy trong những đám than hồng vô cùng thần bí và đầy ma mị. Lễ hội Kéo Chày để tạ thần linh và cầu mùa lại thể hiện sự gắn kết cộng đồng rất cao.
Trong các phong tục như tang ma, cưới hỏi có nhiều thủ tục rất phức tạp nhất là cưới hỏi. Để có thể tiến hành đám cưới thì phải trải qua rất nhiều lần 2 gia đình gặp mặt nhau thì cô dâu chú rể mới có thể tiến đến hôn nhân. Và họ coi trọng hôn nhân 1 vợ 1 chồng và không được phép ly hôn dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.