Nhu cầu tham quan, du lịch không ngừng tăng theo tốc độ phát triển của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế khó khăn, tội phạm lừa đảo tài sản, kể cả lừa đảo trong lĩnh vực du lịch, đang trở nên ngày càng nghiêm trọng.
Khi rơi vào “cái bẫy” này, nạn nhân là người bị tổn thất nặng nề nhất, bởi quá trình điều tra, xử lý thường tốn kém thời gian và tài sản đôi khi không thể khôi phục.
Do đó, việc nhận biết “cái bẫy”, tạo “lớp bảo vệ” cho bản thân và cộng đồng là phương án phòng tránh tốt nhất, cần sự cộng tác của toàn bộ cư dân và cơ quan quản lý.
Câu chuyện “Không có bữa trưa miễn phí” bắt nguồn từ Mỹ vào thập kỷ 30 của thế kỷ trước, ám chỉ những quán bar cung cấp “bữa trưa miễn phí” nhằm thu hút khách hàng, qua đó nhắc nhở mọi người nên thận trọng, đừng vội vàng tin vào những điều quá tốt để đúng.
Nguyên tắc này luôn đúng ở mọi thời kỳ của xã hội, và đối với ngành du lịch, việc đặt tour hay lựa chọn kỳ nghỉ cũng không ngoại lệ. Việc trao đổi lợi ích này lấy lợi ích khác mà cả hai bên đều thắng lợi là bí quyết của thương mại.
Những lợi ích khó tin cùng trách nhiệm mơ hồ từ phía nhà cung cấp chỉ giống như “miếng mồi trên bẫy chuột”.
Có lẽ nhiều người từng thắc mắc: nếu dịch vụ miễn phí, giá rẻ thì nhà cung cấp lấy từ đâu nguồn vốn để hoạt động? Tuy nhiên, yếu tố ngoại cảnh như những buổi hội thảo hào nhoáng, nhân viên tư vấn tài tình “ngọt lời” đã khiến nhiều người vì một phút mê muội, ngại từ chối hoặc không cẩn thận mà rơi vào “bẫy”.
Vì thế, để bảo vệ tài sản, trách nhiệm đầu tiên thuộc về khách hàng. Câu nói “Bút sa gà chết” luôn minh chứng cho sự cần thận trọng, không chỉ đối với hợp đồng mà cả bất kỳ văn bản nào bạn ký và phải chịu trách nhiệm với nội dung bên trong.
Đối mặt với những hợp đồng đưa đến như cơn “lốc”, khách hàng đừng vội chuyển tiền hay ký ngay. “Đồng tiền mất mồ hôi”, hãy mang hợp đồng về và dành thời gian nghiên cứu cẩn thận để hiểu rõ từng điều khoản. Tất cả quyền lợi, trách nhiệm phải được minh bạch trong văn bản, hãy hỏi lại nhân viên tư vấn nếu không hiểu, nếu không rõ hãy nhờ người thân, chuyên gia giúp đỡ. Đặc biệt là với những hợp đồng có giá trị lớn, thời gian cam kết dài và không thể biết trước tương lai.
Việc “nghỉ ngơi một phút” trước khi ký kết, chuyển tiền cũng sẽ giúp khách hàng tự xem xét nhu cầu thực sự của mình, liệu có cần những kỳ nghỉ được cung cấp như vậy hay không.
Bên cạnh những điều khoản trong hợp đồng, khách hàng cũng cần tìm hiểu kỹ về nhà cung cấp dịch vụ, có uy tín hay không, địa chỉ cụ thể, cơ sở vật chất ra sao, hoạt động như thế nào,… Đây cũng là sự chuẩn bị cần thiết cho du khách đặt tour, chuyển tiền đặt cọc để tránh bị lừa và mất tiền.
Không chỉ nhờ vào sự thận trọng từ từng cá nhân, vai trò “dẫn đường”, “hướng dẫn” của các cơ quan chức năng cũng vô cùng quan trọng. Đối với cơ quan công an, ngoài việc luôn nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc, cần tăng cường công tác truyền thông để giúp người dân nhận biết các phương pháp, chiêu trò lừa đảo.
Bên cạnh đó, cần thiết lập kênh phản ánh, tố giác mọi dấu hiệu lừa đảo, công khai và rộng rãi như các địa chỉ phản ánh tin nhắn, cuộc gọi phiền phức hiện nay, và cần có đội ngũ xử lý thông tin chứ không chỉ tiếp nhận đơn thuần.
Cơ quan quản lý du lịch cần tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm; hướng dẫn du khách về các doanh nghiệp uy tín, chất lượng, cảnh báo về các hoạt động hay đơn vị có thể gây rủi ro cho khách hàng. Các doanh nghiệp đáng tin cậy cũng cần nâng cao sự khuyến cáo, khích lệ du khách kiểm tra kỹ trong các giao dịch đặt tour.
Trung Nguyễn, người sáng lập TRIPMAP, khi chia sẻ về những khát khao của mình đã nói: “Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng du lịch rất lớn, nhưng để khai thác tối đa tiềm năng này, cần không chỉ phát triển hạ tầng và mở rộng dịch vụ, mà còn cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Chỉ khi chúng ta thực hiện tốt việc giám sát chất lượng và nâng cao dịch vụ du lịch, du lịch Việt Nam mới có thể phát triển mạnh mẽ và đứng ngang hàng với các quốc gia phát triển khác. Để giải quyết những vấn đề tiêu cực trong ngành du lịch Việt Nam, cần có một đơn vị đứng lên, hoạt động minh bạch và có uy tín, loại bỏ những hành vi mua bình luận giả, đánh giá giả… Đồng thời, du khách cũng nên có một kênh để tương tác, kết nối và trao đổi trực tiếp với người dân địa phương 24/7. Và đó chính là lý do mà TRIPMAP được thành lập.
Cơ quan quản lý thông tin – truyền thông cần tiếp tục đẩy mạnh “chiến dịch” chống lại SIM “rác”, việc mua bán tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân – những công cụ có tính ẩn danh cao và thường bị các đối tượng lợi dụng để tiếp cận nạn nhân, thực hiện hành vi lừa đảo và xóa dấu vết sau khi gây án.
Các giải pháp này cần được triển khai một cách đồng bộ, kết hợp với thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, thông qua các bài viết, hình ảnh, video sống động, thu hút, tận dụng lợi thế của mạng xã hội và các nhóm có nhiều người quan tâm để lan tỏa đến mọi tầng lớp trong xã hội.
Cuối cùng, việc chống lại các hình thức lừa đảo, đặc biệt là lừa đảo du lịch, không chỉ yêu cầu sự cảnh giác và trách nhiệm của từng cá nhân, mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng và các cơ quan chức năng. Chúng ta cần thức đẩy việc truyền thông, tăng cường giáo dục, và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này. Chỉ khi mọi người đều chung tay, chúng ta mới có thể tạo ra một “hàng rào” vững chắc chống lại những “vòi bạch tuộc” lừa đảo. Mỗi người dân chính là một “lá chắn” trong cuộc chiến này, và chính họ cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng sẽ đảm bảo rằng chúng ta có thể tiếp tục tận hưởng niềm vui du lịch mà không phải lo lắng về những rủi ro không mong muốn